Theo báo cáo nghiên cứu lâm sàng về tác động của đại dịch Covid-19 đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên được công bố bởi Tạp chí Tâm lý học Châu Âu, trẻ mẫu giáo (1-6 tuổi) có sự gia tăng lớn nhất về các hành vi chống đối. Trong khi, trẻ vị thành niên (11-19 tuổi) nhận thấy mức tăng lớn nhất về các vấn đề cảm xúc trong đại dịch. Do đó, không ít gia đình phải đối mặt với những căng thẳng trong mối quan hệ của các thành viên, đặc biệt là giữa cha mẹ và con cái.
Chuyên gia cho rằng, phụ huynh nên lưu ý và nỗ lực tạo ra một môi trường vui vẻ trong chính tổ ấm của mình. Chương trình "Nuôi dạy con trong giai đoạn căng thẳng" do các ĐH Oxford, UNICEF, WHO, The Human Safety Net của Generali phối hợp xây dựng và triển khai có thể hỗ trợ cha mẹ tìm ra phương pháp phù hợp.
Đầu tiên, cha mẹ nên thiết lập một nền nếp sinh hoạt mới, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh giãn cách, trong đó ưu tiên những khoảng thời gian, không gian tương ứng giữa cha mẹ và con trẻ để sắp xếp các hoạt động chung. Các gia đình nên phân công và chia sẻ công việc giữa các thành viên, bao gồm cả trẻ nhỏ. Điều này giúp cân bằng tâm lý, tránh quá tải và tạo thêm thời gian chất lượng, cùng nhau thư giãn và gắn kết.
Thứ hai, phụ huynh cần ý thức việc tạo không khí hòa thuận bằng cách nỗ lực kiểm soát những cảm xúc tiêu cực, sử dụng ngôn ngữ khuyến khích, động viên thường xuyên hơn, chủ động lắng nghe và đặt mình vào vị trí của các thành viên khác.
Ngoài ra, cha mẹ có thể biến việc nhà hay các nghĩa vụ thành các trò chơi, thử thách thú vị để trẻ cùng tham gia. Theo đó, phụ huynh nên cùng trẻ mở rộng không gian sống bằng cách dọn dẹp và xây dựng một lối sống ngăn nắp, gọn gàng. Nấu nướng, rửa chén, làm vườn... đều có thể trở thành các cuộc thi hay các lớp học vui vẻ. Qua đó, trẻ nhỏ có thể học các kỹ năng mới và cảm thấy tự hào khi biết giúp đỡ cha mẹ.
Có khá nhiều các hoạt động, trò chơi mà cha mẹ có thể tham gia cùng trẻ ngay tại nhà mà vẫn giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất, trí tuệ, cảm xúc. Cha mẹ có thể tổ chức các cuộc thi vận động như thi bật nhảy, gập người, chạy quanh nhà, hay các trò chơi thú vị, dễ thực hiện như "truy tìm kho báu", biểu diễn thời trang... Cùng trẻ tái chế những vật dụng cũ thành những món đồ chơi thú vị cũng là phương pháp hữu ích giúp trẻ phát huy tính sáng tạo, sự tập trung, tinh thần tập thể và đặc biệt là tăng gắn kết, yêu thương giữa các thành viên.
Theo các chuyên gia, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên tập cho con tính tự lập, khả năng tập trung và thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo; cho trẻ có không gian an toàn và những khoảng thời gian phù hợp tự chơi, tự khám phá, dạy trẻ tự chăm sóc bản thân, làm việc nhà...
"Điều này sẽ giúp trẻ bớt phụ thuộc vào cha mẹ, các thành viên khác hay các thiết bị điện tử mà vẫn tìm cách tạo được niềm vui cho mình và không ngừng học thêm các bài học mới", vị này khẳng định.
Chương trình "Nuôi dạy con trong giai đoạn căng thẳng" được các tình nguyện viên của Generali Việt Nam chia sẻ và lan tỏa trực tuyến nhằm giúp giảm bớt căng thẳng cho các gia đình có con nhỏ trên cả nước trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn.